Những chuyện chưa quên (phần 13)

Hồ Phú Bông

ảnh: hoa trên đỉnh Hoàng Liên Sơn – nguồn: blogcamxuc.net

Phần 13: Tình mong manh

Tiếp theo phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần 7, phần 8, phần 9, phần 10, phần 11phần 12

Trước khi bước ra khỏi nhà Tố Nga quay lại nói nhỏ với em:

– Chị biết nhà mình thiếu gạo tháng này rồi nhưng chắc cũng sẽ xoay được thôi. Trưa về chúng mình sẽ liệu.

Tố Uyên vỗ vai chị:

– Chị cẩn thận, bọn quản giáo Hương và mấy đồng chí của nó bám chị em mình không được, coi chừng chúng dở trò hoặc theo dõi chuyện khác đấy!

Tố Nga ra khỏi nhà mang theo hai nỗi lo. Tình trạng kinh tế gia đình ngày một thiếu hụt, hai chị em cố xoay xở mọi bề nhưng ngày càng khó sống. Thầy mẹ đang tình trạng già yếu mà nhà lại không có con trai. Nỗi lo thứ hai, Tố Nga biết cuộc tình vô vọng với Nghi sẽ nhiều bất trắc nhưng Tố Nga không thể nào cưỡng lại được. Nghi thấy điều đó và cũng đã tâm sự với Tố Nga. Anh lo sợ về an ninh của Tố Nga và bản thân. Nếu mọi chuyện vỡ lở thì cái tội cấu kết với thành phần có tội phản động sẽ là của Tố Nga và với Nghi thì tội âm mưu trốn trại, quan hệ với thành phần xấu trong xã hội và biết đâu lại không thêm một cái án hiếp dâm ly kỳ không chừng! Bấy nhiêu đó thì chắc Tố Nga sẽ nguy khốn, còn Nghi, cũng có thể bỏ mạng. Nghi khuyên Tố Nga nên nhìn vào thực tế đời sống, nhưng cũng như bao nhiêu lần, anh không thể dứt khoát trước những dòng nước mắt lặng lẽ chảy dài trên đôi má của Tố Nga.

Tình yêu là trái cấm. Càng khó khăn cách trở, càng đam mê. Càng hồi hộp âu lo, càng liều lĩnh. Trong tim Tố Nga như có thêm một mệnh lệnh thầm kín nào đó, Tố Nga không thể nào hiểu được. Có lẽ đây là trường hợp đúng nhất để hiểu câu con tim có lý lẽ riêng của nó!

Cả hai tuần qua Tố Nga không gặp được Nghi. Lòng cô nôn nóng. Đợt hàng hợp tác xã phân phối về có cái tem phiếu được một ký thịt lợn, Tố Nga dành gần phân nửa, xào nấu, rồi tìm cách đi gặp Nghi. Cũng may là Tố Uyên lại biểu đồng tình với chị, nên chuyện lớn, chuyện nhỏ, hai chị em thường thì thầm với nhau.

Với buổi sáng nơi núi rừng chưa qua cơn ngái ngủ về đêm, con đường đất sỏi như rộng hơn. Tố Nga cắm cúi đi. Cô nghe cả tiếng lạo xạo trên đất theo từng bước chân. Nhịp tim cô cũng nôn nóng nhưng phân vân. Trạng thái mâu thuẫn tự nhiên, đến rồi đi, rồi lại đến. Cái gùi cô vẫn mang trên vai như cô đang đi rừng tìm măng. Cô không có được bước chân bay bổng của một người được tự do hò hẹn với người yêu. Cô không có được ước mơ được người yêu đứng đợi nơi chỗ hẹn hò, để được nhào tới ôm nhau và một nụ hôn như không bao giờ rời ra được. Cô vẫn phải cảnh giác! Núi rừng chung quanh, cây lá chung quanh như vẫn có đôi mắt nào đó, đang dòm ngó theo dõi. Hai tuần qua không gặp Nghi, Nghi sẽ ra sao? Có bao giờ hôm nay Nghi lại ốm, không đi theo toán cưa xẻ không? Tố Nga và Nghi chỉ luôn luôn như những kẻ gặp nhau tình cờ, không thể có hẹn hò như những cặp tình nhân khác.

Qua khỏi con đường mòn đi lên ngọn đồi có toán cưa xẻ của Nghi đã khá xa, nhưng đây cũng là mục đích của Tố Nga, để đánh lạc hướng những đôi mắt vô hình đang theo dõi. Nhìn trước sau, đường vẫn vắng vẻ, Tố Nga rẽ vào trong rừng và thoáng chốc đã mất hút trong cái mênh mông tĩnh mịch của núi rừng buổi sáng.

Tố Nga cố tranh thủ tìm cho được vài mụn măng bỏ vào gùi, để không ai có thể nghi ngờ cô nếu tình cờ gặp bộ đội hay quản giáo. Sau đó cô đi ngược về ngọn đồi nơi có toán cưa xẻ của Nghi. Dòng suối nơi lần đầu tiên Tố Nga gặp Nghi lại hiện ra. Dòng nước, dòng thời gian vẫn cứ róc rách trôi. Mới đó mà đã gần hai tháng qua và còn bao lâu nữa Nghi sẽ bị chuyển trại? Câu hỏi đến thật bất ngờ. Thật đau đớn.

Tố Nga không đi theo lối mòn quen, cô tìm một lối đi mới để đề phòng bất trắc. Đến lưng chừng đồi Tố Nga đã nghe được tiếng rèn rẹt của lưỡi cưa ăn vào gỗ. Rồi tiếng rèn rẹt mỗi lúc một lớn hơn, Tố Nga đã thấy được nhóm người cưa xẻ. Ngồi quan sát không thấy có ai lạ, Tố Nga ném một viên sỏi để bắn tin, viên sỏi đụng nhánh cây rơi xuống. Cô ném lần thứ hai thành công, rồi ngồi yên chờ đợi.

Nghe tiếng viên sỏi rơi xuống đất, Nghi hiểu. Toán cưa xẻ cũng hiểu. Nghi nói với Đương cốm điều gì đó, rồi lấy cái thùng vội vã đi xuống suối lấy nước. Đi một quảng, thấy không có gì nghi ngờ, Nghi rẽ vào lối khác.

Rừng núi lại như một vòng tay ôm bảo bọc cho đôi tình nhân gặp gỡ.

Tố Nga không nói được lời nào, chỉ nhìn Nghi, rồi lặng lẽ khóc. Cô khóc, vì thời gian sẽ không chờ đợi một ai. Rồi một ngày nào đó, có thể rất gần, rất bất ngờ Nghi sẽ bị đưa đi nơi khác và chắc chắn sẽ không một lời báo trước. Cái mong manh của tình yêu như những bóng nắng đang nhởn nhơ trước mắt rồi vội mất. Như những bong bóng trước hiên mưa nhà cô những chiều tha thiết. Vỡ nát. Tan biến. Và nhạt nhòa trong ảm đạm trời buồn.

Ôm Tố Nga trong vòng tay, Nghi không hiểu được tâm trạng của người yêu, nên hỏi:

– Em có chuyện gì buồn phải không? Có phải thầy mẹ biết và can ngăn?

Nghi lấy tay áo của mình, lau những giọt nước mắt cho Tố Nga.  

– Không anh ạ.  Bỗng dưng em thấy cái mong manh của cuộc tình nên khóc. Thế thôi.

Nghi thở dài. Anh cũng cảm thấy như vậy, anh nói:

– Chúng mình đều biết tình yêu sẽ không có đoạn kết và càng ngày càng nguy hiểm cho em hơn.

– Nhưng thà hoàn cảnh buộc chúng mình xa nhau, chứ riêng em không thể nào đủ can đảm chấm dứt. Mỗi lần gặp gỡ em luôn mang tâm trạng là lần gặp sau cùng.

– Em thật lãng mạn nhưng anh cũng cùng tâm trạng đó.

Nghi cuối xuống cởi chiếc giày màu nâu tím đã sờn rách, mà lúc còn ở trong Nam anh đã tự may bằng vải áo giáp nhuộm với màu trái lựu đạn khói trước sự ngạc nhiên của Tố Nga.  Anh lần gở từ trong mũi giày, lấy ra một bọc plastic anh đã giấu trong đó. Anh nói:

– Anh biết những khó khăn về vật chất mà vô tình em phải gánh chịu thêm từ ngày chúng mình gặp nhau. Anh đoán được sự khó khăn đó của gia đình em và sự hy sinh của em và Tố Uyên. Cả nhóm cưa xẻ tụi anh đều hiểu điều đó. Mà lần nào gặp gỡ cũng như là lần sau cùng, do đó anh mong em nhận chút quà nầy.  

Tố Nga ngạc nhiên và phân vân. Nghi ôm lấy Tố Nga, đặt lên môi cô một nụ hôn thật dài, rồi nói:

– Em nhận đi để anh vui.

– Mà vật gì thế cơ?

– Cái đồng hồ đeo tay của anh. Trước năm 1975 tại miền Nam nó có chút giá trị, nên anh nghĩ bây giờ có lẽ có giá trị nhiều hơn. Anh chưa bao giờ đăng ký nộp cho trại tù và cố giấu cho đến bây giờ.

Ngưng giây lát, Nghi tiếp:

– Chúng mình không có thời gian. Mong em đừng từ chối.

Tố Nga đón nhận và từng dòng nước mắt lại nhạt nhòa trên má.

– Là cái đồng hồ đẹp như thế nầy thì có lẽ cả đời em cũng không thể mơ mình có được.

Nghi nói thêm:

– Đừng quan trọng nó là vật kỷ niệm cần phải giữ lại. Em nên giải quyết tùy theo hoàn cảnh của gia đình.

Tố Nga tựa đầu nơi ngực Nghi. Nghi vỗ về:

– Em nghĩ có thể giúp tụi anh trong một kế hoạch trốn trại được không? Tụi anh biết, cho đến bây giờ vẫn chưa có một tù nào trốn trại và thoát được nhưng sớm muộn gì cũng chết, nên cố tìm cái sống trong cái chết, em nghĩ sao?

Đôi mắt Tố Nga chợt ráo hoảnh. Cô ngồi thẳng người lại, nhìn trực diện với Nghi:

– Em cũng có nghĩ đến điều nầy. Nhưng rừng núi rất hiểm trở, khó thể thoát.

Tố Nga tiếp:

– Anh đừng nói gì thêm cả. Em hiểu. Em chấp nhận vì yêu anh. Nhưng liệu có thoát được hay không? Ở đây có hai hướng đi theo hai lộ chính khác nhau. Một về hướng Yên Báy, xa khoảng hơn bốn mươi ki lô mét, rồi từ Yên Báy đi ngược lên biên giới Trung Quốc cả trăm ki lô mét. Hướng thứ hai, đi về Nghĩa Lộ, cũng hơn mấy trăm ki lô mét mới sang Lào. Nhưng cả hai tuyến đường đều không thể nào đi thoát được, vì công an và dân chúng. Còn băng rừng, lội suối thì vô cùng hiểm trở, em không thể biết được… Thực phẩm, quần áo, em có thể lo được và chôn giấu ngoài nầy.  

– Tụi anh có ba người. Liệu có cách nào cải trang và di chuyển bằng xe ra Yên Báy và từ Yên Báy lên gần biên giới Trung Quốc, rồi từ đó tụi anh băng rừng?

– Trước mắt em thấy không có cách nào. Vì dân ở đây rất ít, nên mọi người nhẵn mặt với nhau. Chỉ một người di chuyển bằng xe, cả ô tô cơ động hoặc xe đạp cũng khó thoát rồi.

Nghi lần trong ve áo ra trao cho Tố Nga một mảnh giấy nhỏ, ghi địa chỉ nhà anh ở Sài Gòn. Anh nói:

– Em giữ cẩn thận mảnh giấy nầy, nếu bất cứ trường hợp nào chúng mình không còn liên lạc được với nhau thì địa chỉ nhà ba má anh ở Sài Gòn là nơi liên lạc. Đây là tín hiệu để ba má anh nhận diện được người mà anh tin tưởng và nhờ đưa tin. Phải có nét chữ viết của anh và loại giấy đặc biệt nầy. Nếu tụi anh trốn đi, em cố gắng tin cho ba má anh biết. Em đừng nghi ngại gì cả. Ba má anh hiền lành và phúc hậu lắm!

– Đi vào Nam thì chưa chắc em dám đi. Còn gửi thư thì em sẽ tìm cách an toàn để gửi nhưng thư từ trong Sài Gòn gửi tới đây không chắc gì không bị rà xét hoặc bị giữ lại tại công an để điều tra trước khi đến tay em. Công an đã nắm vững lý lịch từng gia đình và bọn chúng cũng bám theo Tố Uyên và em nữa. Chúng biết rõ gia đình em không có quen biết ai ở Sài Gòn cả anh ạ.

Tố Nga tiếp:

– Ờ nhỉ, thế sao anh lại không viết một lá thư cho gia đình để em gửi…

Vừa nghe Tố Nga mách nước, Nghi bừng tỉnh. Anh ôm chầm lấy Tố Nga:

– Anh đã nói là em vừa đẹp, vừa thông minh mà!

Tố Nga xúc động lắm. Cô cố đẩy Nghi ra:

– Cái anh này…

Giây phút tuyệt vời. Giây phút mặt trời như đứng lại nhìn xem cây lá vỗ về trên da thịt.

Tình nồng.

Tình say.

Tình đắm đuối.

Tình trăn trối.

Tình chia ly.

Chất ngất.

Nước mắt.

Mồ hôi.

Thời gian vỗ cánh.

Mây bay.

Và tình trăm năm.

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây